Nhớ những ngày “bám trường” vừa học vừa tăng gia sản xuất

Chủ nhật - 09/10/2022 22:13
Nhớ những ngày “bám trường” vừa học vừa tăng gia sản xuất
        Có lẽ với những thế hệ học sinh ngày nay sẽ không thể biết, cũng chẳng thể nào hình dung ra nổi nỗi vất vả, khó khăn, gian khổ của thế hệ cha anh khi được đến trường học. Đất nước vẫn đang chìm trong mưa bom, bão đạn, thiếu thốn đến cả củ sắn, củ khoai, vừa học tập, vừa tham gia lao động sản xuất và khi đất nước cần là “xếp bút nghiên” lên đường đánh giặc. May mắn khi chúng tôi tìm gặp được bác Nguyễn Khắc Long (67 tuổi, cựu học sinh khóa 1971-1973) và được nghe bác kể lại những kỷ niệm “bám trường” vừa học, vừa tăng gia sản xuất trong những năm tháng đó. Tuy đã trải qua nhiều năm sống và làm việc ở khắp mọi miền tổ quốc nhưng những ký ức về ngôi trường cấp 3 của bác vẫn luôn hiện diện và gợi lại cảm xúc sâu lắng, đặc biệt là trong dịp hàng nghìn cựu học sinh hướng về kỷ niệm 60 năm thành lập Trường THPT Ba Vì (huyện Ba Vì, Hà Nội).
Phóng viên (PV): Xin chào bác Nguyễn Khắc Long, chắc hẳn bác còn nhớ về ngôi trường cấp 3 cùng thầy “lo ăn, lo học... dưới mái trường “lợp lá gianh” ngày nào?
       Bác Nguyễn Khắc Long: Sinh ra và lớn lên ở làng Kim Bí, xã Tiên Phong, huyện Ba Vì năm 1955 trong bối cảnh đất nước đang “gồng mình” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thời kỳ ấy, hàng triệu thanh niên Việt Nam đã xung phong ra chiến trường với tinh thần nhiệt huyết, dũng cảm, hào hùng. Học hết tiểu học, THCS tại xã Tiên Phong, 16 tuổi, tôi may mắn được vào học trường Thanh niên Lao động XHCN Hà Sơn Bình, nay là trường THPT Ba Vì. 60 năm sau, trong không khí tự hào và thiêng liêng hướng về ngày lễ kỷ niệm 60 năm thành lập trường, tôi lại . Trường THPT Ba Vì được thành lập từ năm 1962 với tên gọi ban đầu là trường Bổ túc công nông huyện Quảng Oai, đặt địa điểm tại khu chùa Ngạch, thôn Kim Bí, xã Tiên Phong, huyện Quảng Oai (nay là huyện Ba Vì). Sau 9 năm phát triển cùng ngành giáo dục, đến năm 1971 trường chuyển lên đào tạo trình độ bổ túc văn hóa cấp III và được đặt tên là trường Thanh Niên Lao động XHCN Hà Sơn Bình. Thời điểm này, trường chuyển về khu vực Đồi Ong, xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì.
- Là một học sinh khóa đầu tiên của trường thời đất nước vẫn còn chiến tranh và đang trên đà đi lên CNXH, bác đã chứng kiến sự vất vả, gian truân của các thầy trường THPT Ba Vì ra sao? Kỷ niệm đáng nhớ nhất của bác trong suốt khoảng thời gian “bám trường” vừa học, vừa tăng gia sản xuất là gì?
         Trong những năm đầu thành lập, số lượng giáo viên và học sinh của trường vô cùng ít ỏi, cơ sở vật chất cũng rất nghèo nàn, lạc hậu. Tuy nhiên thầy và trò nhà trường vẫn luôn nỗ lực, kiên trì dựng lớp, tiếp tục sự nghiệp xây dựng nền giáo dục cùng đất nước. Đặc biệt hơn cả, trong ký ức của tôi, khi ấy, thầy cô phải đứng ra lo gạo, lo ăn, lo kế hoạch sản xuất, lo giảng dạy. Tuy vất vả nhưng các thầy vẫn luôn dành thời gian gần gũi với học sinh, ở cùng học sinh nhà tre nứa, nhà lán. Học tập được một thời gian, tôi lên đường nhập ngũ. Khi nhớ về trường, tôi có thể nói, đây là loại trường đặc biệt, giống như một công trường, mà trong đó 100% công nhân là học sinh. Ở đây, ngoài giờ học, học sinh còn tham gia sản xuất gạch, ngói, nung vôi, cấy lúa, trồng rau, trồng dứa… sản phẩm làm ra một phần để cải thiện đời sống học sinh và cán bộ giáo viên, phần lớn còn lại là cung cấp cho xã hội. Hàng năm nhà trường có từ 14 đến 15 lớp với khoảng 25 cán bộ, giáo viên, nhân viên do thầy Trần Hành làm hiệu trưởng, năm 1972 thầy Dương Chí Trọng làm hiệu trưởng và đến năm 1974 là Nhà giáo ưu tú Nguyễn Xuân Hòe.
-Xuất phát từ sự dẫn dắt và giảng dạy của thầy cô, bác đã vượt qua khó khăn và đạt được những thành tựu ra sao?
        Tôi may mắn được vào học dự bị đại học 1 năm của trường Đại học Tài chính Kế toán Hà Nội. Sau đó, nhờ sự nỗ lực của bản thân, tôi đã thi chuyển sang học đại học dài hạn và được phân vào học lớp Thu Quốc Doanh khoa Tài chính, Đại học Tài Chính Hà Nội. Học trong thời kỳ bao cấp, tôi thầm biết ơn sự nỗ lực của chính mình khi ngày ấy đã “không ngán” khoai lang ăn thay cơm, học trong bóng tối vì không có đèn thắp sáng, ngủ nhà dột… Thi  thoảng, tôi lại nhớ về lời dạy của các thầy khi xưa: “Khó mấy cũng vượt qua, chỉ cần ta có niềm tin, sự lạc quan trong chính hoàn cảnh của mình”.
May mắn hơn nhiều người khác và nhờ năng lực của chính bản thân, sau khi tốt nghiệp Đại học Tài chính Hà Nội, tôi có cơ hội được làm việc trong Tổng cục Thuế Hà Nội. Đây là một trong những công việc mơ ước của bao người thời bấy giờ. Nay, trải qua 31 năm sống và làm việc trong ngành thuế, tôi đã đạt được những thành tựu nhất định.
-Chắc hẳn, bác được chứng kiến quá trình phát triển đầy tự hào của trường qua nhiều giai đoạn?
        Nhờ có lịch sử lâu đời cũng chất lượng giáo dục vô cùng tốt, Trường THPT Ba Vì luôn được xếp vào điểm sáng trong công tác giáo dục của Thủ đô và nhận được sự quan tâm, ưu ái của các bậc phụ huynh trên địa bàn thành phố. Trong chặng hành trình hơn 60 năm hình thành và phát triển, trường THPT Ba Vì đã gặp hát rất nhiều thành công với sự nghiệp “trồng người”.
        Tiêu biểu năm 2002, trường vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Năm học 2012- 2013, trường được Bộ GD&ĐT tặng bằng khen. Năm học 2014, trường được công nhận là ngôi trường THPT đạt chuẩn quốc gia.

Tác giả: BBT Kỷ Yếu

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi