Nhà giáo nhân dân Nguyễn Xuân Hòe

Thứ sáu - 30/09/2022 04:17
Nhà giáo nhân dân Nguyễn Xuân Hòe và các thầy cô giáo trường THPT Ba Vì
Nhà giáo nhân dân Nguyễn Xuân Hòe và các thầy cô giáo trường THPT Ba Vì
NHÀ GIÁO NHÂN DÂN NGUYỄN XUÂN HÒE:
NGÔI TRƯỜNG NHIỀU DUYÊN NỢ VỚI TÔI NHẤT!
        “Tôi từng là giáo viên cấp 3 đầu tiên của trường cấp ba tỉnh Sơn Tây, là hiệu trưởng đầu tiên của trường THPT Tùng Thiện, nhưng trường THPT Ba Vì (Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Ba Vì - khi đó) là ngôi trường lắng lại trong tôi nhiều kỷ niệm, gợi trong tôi nhiều cảm hứng thơ ca, nơi nhiều duyên nợ nhất!” – Nhà giáo nhân dân Nguyễn Xuân Hòe 
         Một đời vì sự nghiệp giáo dục
Đón chúng tôi ở nhà riêng, ngôi nhà nhỏ ở phố Kim Hoa - phường Phương Liên - Hà Nội, người thầy 86 tuổi với mái tóc bạc phơ nhưng đôi mắt còn tinh anh và vẫn ánh lên đầy nhiệt huyết cho sự nghiệp giáo dục, ân cần như đón tiếp những đứa học trò nhỏ về thăm. Nghỉ hưu đã lâu nhưng thầy vẫn hăng hái tham gia hội khuyến học ở địa phương và hàng năm, vẫn lặn lội mấy chục km trở lại những ngôi trường cũ đã từng công tác để trao những suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó. Khi biết trường THPT Ba Vì, ngôi trường thầy xây dựng và gắn bó suốt 11 năm đã đến tuổi 60, đôi mắt thầy vừa rưng rưng xúc động, vừa ánh lên niềm vui, niềm tự hào. Và rồi chúng tôi may mắn được thầy kể cho nghe những chặng đường công tác của mình, người thầy đáng kính suốt một đời vì sự nghiệp giáo dục.
       Năm 1959, khi vừa 22 tuổi, vừa tốt nghiệp Đại học sư phạm, thầy về nhận công tác tại trường cấp 3 Sơn Tây (lúc đó là tỉnh Sơn Tây) và là giáo viên THPT đầu tiên tại đây. Một mình thầy phải giảng dạy bộ môn Văn cho hầu hết các lớp học, vất vả nhưng đầy tự hào. Có lẽ bởi lòng nhiệt tình, sự tâm huyết và sáng tạo nên chỉ sau 3 năm công tác, năm 1962 thầy được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng nhà trường. Rồi 4 năm sau, năm 1966, trường THPT Tùng Thiện được thành lập, thầy trở thành hiệu trưởng đầu tiên của ngôi trường. Năm 1974, thầy về làm hiệu trưởng trường Thanh niên lao động XHCN Ba Vì. Lúc đó, cả tỉnh Hà Sơn Bình có 3 trường Thanh niên lao động XHCN, một ở Hòa Bình, một ở Xuân Mai và một ở Ba Vì, trường trực thuộc tỉnh ủy và có vị trí tương đương với Ty giáo dục bấy giờ. Năm 1985, thầy tham gia sáng lập và lãnh đạo Trung tâm hướng nghiệp lâm nghiệp Ba Vì và công tác ở đây cho đến khi nghỉ hưu.
       Sau 40 năm cống hiến, giảng dạy và lãnh đạo công tác giảng dạy miệt mài, được nghỉ ngơi nhưng thầy không hề ngơi nghỉ mà luôn vẫn đau đáu suy nghĩ về giáo dục, vẫn trăn trở làm sao cho giáo dục tốt lên, làm sao để giúp cho những hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường…. “Khuyến học là việc làm rất quan trọng để thúc đẩy phong trào học tập từ mỗi người, mỗi gia đình và mỗi địa phương. Khuyến học tốt thì tinh thần học tập trong nhân dân tốt, giáo dục mới tốt lên được!” – thầy nói. Và thầy trực tiếp tham gia các hội khuyến học, lấy lương hưu của mình dành tặng cho các quỹ khuyến học, dành tặng các suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó. Mái tóc thầy đã bạc phơ, bước chân không còn mạnh mẽ nhưng ánh mắt còn sáng lấp lánh và giọng nói đầy say mê, nhiệt huyết như thắp lên trong chúng tôi niềm tin tưởng, tự hào về con đường mình đã chọn. Hình ảnh người thầy hơn 80 tuổi, đi xe buýt trở lại trường cũ trao tặng học bổng cho học sinh làm chúng tôi rưng rưng. Có lẽ danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo nhân dân hay Huân chương lao động và những huân huy chương mà nhà nước trao tặng chỉ ghi nhận được một phần nào đó thôi, công sức và sự tận tụy, tâm huyết của người thầy dành cả đời cho sự nghiệp giáo dục của đất nước.
         Ngôi trường nhiều duyên nợ
Năm 1974, trường Thanh niên lao động XHCN Ba Vì lúc đó đóng tại Đồi Ong, Cẩm Lĩnh, mặc dù được coi là mô hình mới, tiên tiến nhất của nhà trường XHCN nhưng còn hoang sơ và lắm gian truân lắm! Thầy kể và hồi tưởng theo từng mốc thời gian như lật mở từng trang sách. Trường có khoảng 600 học sinh, học tập, ăn ở tại chỗ, sau giờ học là lao động sản xuất. Nhiệm vụ chính trị của nhà trường là đào tạo bổ túc trình độ cấp 3 cho cán bộ các xã thuộc huyện Bất Bạt, Quảng Oai khi đó. Bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy, học tập thầy trò còn cùng lao động sản xuất và mỗi năm đóng góp cho đất nước hàng chục tấn lúa gạo, khoai, sắn, dứa, hàng chục tấn vôi, hàng chục vạn viên gạch, ngói… “Trường học nhưng hay lắm, như một nông trường ấy, có đồng lúa, đồi sắn đồi dứa, cả chuồng trại chăn nuôi; trong trường lại còn có cả lò gạch, lò ngói, lò vôi nữa! Thầy cô rồi cả học trò học xong là xắn áo, xắn quần lên cày cuốc, nung vôi, nung gạch chứ đâu được là lượt như bây giờ!” – cô Oanh, cô giáo cũng đã từng gắn bó cả đời dạy học với vùng đất Sơn Tây nhiều đá ong – vợ thầy, chia sẻ thêm. Suốt nhiều năm mình không được ăn Tết ở nhà vì phải trực trường. Học sinh được về nhà ăn Tết, anh chị em cán bộ thì ở xa… vậy là mình ở lại canh gác, trông trường. Giữa tiếng pháo nổ đì đùng đêm 30 lúc đón giao thừa thì mình vẫn phải khoác súng lên, căng mắt lên và đi tuần khắp hàng trăm ha của trường khi đó! Ánh mắt thầy xa xăm và dù cố gắng lắm chúng tôi cũng không thể tưởng tượng nổi những gian truân của thầy trò ngày ấy bỗng thấy xấu hổ vì đã có lúc than vãn vì công việc, cuộc sống khó khăn, vất vả bây giờ.

  Nhà giáo nhân dân Nguyễn Xuân Hòe và thầy giáo Đỗ Văn Chiến hiệu trưởng trường THPT Ba Vì 
        Do quy hoạch, năm 1980 trường chuyển về xã Ba Trại và phải “ở nhờ” Nông trường dâu đồi Sông Đà. Bao nhiêu công khai phá, xây dựng đành bỏ lại, mảnh đất đã thấm biết bao mồ hôi và cả máu của bao thế hệ thầy trò đành dời đi. Có cái gì đó hơn là sự lưu luyến, tiếc nuối mà dường như là xót xa! - Thầy xúc động, giọng như nghèn nghẹn.
     Năm 1981, trường chuyển về đóng tại Gò Chùa, Ba Trại (chính là địa điểm của trường bây giờ). Lại bắt đầu xây dựng từ đầu, trường chỉ có một dãy nhà mới xây, bố trí được hai phòng học còn lại là văn phòng, nhà kho và thư viện. Thiếu phòng, học sinh phải học ở dãy nhà lợp bằng giấy dầu, tường bằng đất, chỉ có mười mấy mét vuông, nhưng mô hình giáo dục của nhà trường đã có bước chuyển đổi hoàn toàn, từ năm học 1982 - 1983, trường đã đào tạo trình độ THPT và tên trường đổi thành Trường Phổ Thông Trung Học vừa học vừa làm Ba Vì. Lúc đó, mình đã có quy hoạch để xây dựng một ngôi trường tiên tiến nhất: có sân vận động, bể bơi… chỉ tiếc là năm 1985, do phân công công tác, mình chuyển sang Trung tâm hướng nghiệp lâm nghiệp. Thời gian công tác tại trường là thời gian vất vả, gian khổ nhất nhưng để lại trong mình nhiều kỷ niệm nhất. Đó là thời kỳ mình có nhiều cảm hứng và sáng tác được nhiều bài thơ hay nhất. Thầy chia sẻ.
      May mắn được gặp, được trò chuyện cùng thầy, chúng tôi được hiểu hơn những khó khăn, vất vả mà các thế hệ thầy trò đi trước đã vượt qua để xây dựng, bồi đắp cho ngôi trường hôm nay. Càng trân trọng, biết ơn bao nhiêu càng thầy mình nhỏ bé bấy nhiêu. Một lần nữa xin bày tỏ lòng biết ơn đến thầy, người thầy vĩ đại không chỉ bởi công lao thầy xây dựng, tình cảm thầy dành cho ngôi trường, cho các thế hệ đi sau mà còn bởi tâm huyết cả đời thầy đã và đang dành cho sự nghiệp giáo dục.
Hà Nội, ngày 23 tháng 9 năm 2022
                                                                                            

Tác giả: Thầy giáo Lê Hồng Khánh

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi